Vietnam
This article was added by the user . TheWorldNews is not responsible for the content of the platform.

Chưa trình Quốc hội dự án Luật Giao thông đường bộ và Luật Bảo đảm trật tự an toàn giao thông

Chiều 20/5, Văn phòng Quốc hội (VPQH) tổ chức họp báo về dự kiến chương trình kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV.

Chưa trình Quốc hội dự án Luật Giao thông đường bộ và Luật Bảo đảm trật tự an toàn giao thông ảnh 1

Tổng Thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường chủ trì cuộc họp báo (ảnh Nhật Minh)

Phó Chủ nhiệm VPQH Vũ Minh Tuấn cho biết, Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV sẽ khai mạc vào ngày 23/5. Dự kiến Quốc hội sẽ họp tập trung trong thời gian 19 ngày (dự kiến bế mạc vào ngày 16/6/2022).

Về công tác lập pháp, Quốc hội sẽ xem xét thông qua 5 dự án luật, gồm: Luật Cảnh sát cơ động; Luật Điện ảnh (sửa đổi); Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi); Luật Thi đua, khen thưởng (sửa đổi); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ.

Quốc hội cũng xem xét thông qua 2 dự thảo nghị quyết, gồm: Nghị quyết về thí điểm mô hình tổ chức hoạt động lao động, hướng nghiệp, dạy nghề cho phạm nhân ngoài trại giam; Nghị quyết về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022; Nghị quyết về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù, phát triển tỉnh Khánh Hòa.

Trả lời câu hỏi của báo chí về 3 dự án luật, gồm: Luật Bảo đảm an ninh trật tự cơ sở; Luật Giao thông đường bộ và Luật Bảo đảm an toàn giao thông đường bộ, ông Nguyễn Trường Giang, Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật cho biết, 3 dự án luật trên đã được đưa vào chương trình và cho ý kiến tại kỳ họp thứ 10 Quốc hội khóa XIV. Sau khi Quốc hội thảo luận, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã gửi phiếu thăm dò ý kiến, xin ý kiến đại biểu có tách Luật Giao thông đường bộ và Luật Bảo đảm an toàn giao thông đường bộ hay không?

“Quốc hội chưa quyết mà đây mới chỉ thăm dò, thì đa số đề nghị không tách luật. Trên cơ sở kết quả thăm dò, Tổng Thư ký Quốc hội đã có văn bản thông báo ý kiến đối với 3 dự án luật này, đề nghị tiếp tục nghiên cứu, báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, báo cáo Quốc hội”, Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật cho biết.

Theo ông Giang, sau kỳ họp thứ 10, Chính phủ đã chỉ đạo cơ quan soạn thảo là Bộ Công an, Bộ Giao thông Vận tải nghiên cứu tiếp thu ý kiến và ý kiến đại biểu để tiếp tục hoàn thiện, báo cáo Chính phủ để Chính phủ trình Quốc hội. Trong Nghị quyết của Chính phủ, có nêu vấn đề rất quan trọng là đề nghị cơ quan soạn thảo báo cáo Bộ Chính trị trước khi báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội và báo cáo Quốc hội. Nhưng khi Chính phủ trình sang Thường vụ Quốc hội thì trong hồ sơ không có.

Do đó, Tổng Thư ký Quốc hội đã thông báo ý kiến của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ, đề nghị cơ quan soạn thảo báo cáo Bộ Chính trị trước khi báo cáo Thường vụ Quốc hội và báo cáo Quốc hội.

Văn Kiên