Vietnam
This article was added by the user . TheWorldNews is not responsible for the content of the platform.

Tàu sân bay Mỹ tiến vào Biển Đông

Nhóm tác chiến tàu sân bay Nimitz tiến vào Biển Đông ngày 12/1, dự kiến huấn luyện nhiều khoa mục tại khu vực.

Hải quân Mỹ ngày 13/1 thông báo tàu sân bay USS Nimitz cùng các chiến hạm hộ tống bắt đầu hoạt động tại Biển Đông một ngày trước đó, tuyên bố đây là "một phần trong các hoạt động thường lệ của hải quân Mỹ ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương".

Nhóm tác chiến Nimitz dự kiến triển khai huấn luyện khoa mục tiến công trên biển, săn ngầm, huấn luyện tổng hợp nhiều lĩnh vực, phối hợp các đơn vị trên mặt nước và trên không, triển khai máy bay cánh cố định và trực thăng khi hoạt động trên Biển Đông.

Trong số các chiến hạm hộ tống tàu sân bay Nimitz có tuần dương hạm USS Bunker Hill, khu trục hạm USS Decatur, USS Chung Hoon và USS Wayne E Meyer, cùng không đoàn tàu sân bay số 17 và phi đoàn khu trục hạm số 9. Một quan chức quốc phòng Mỹ cho biết Trung Quốc điều hai tàu đi theo nhóm tác chiến Nimitz.

Tàu sân bay USS Nimitz của Mỹ di chuyển trên Biển Đông ngày 12/1. Ảnh: US Navy.

Tàu sân bay USS Nimitz của Mỹ di chuyển trên Biển Đông ngày 12/1. Ảnh: US Navy.

Nhóm tác chiến Nimitz tiến vào Biển Đông trong lúc tình hình khu vực leo thang khi Mỹ tìm cách tăng cường hiện diện tại Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Quân đội Mỹ cuối tháng 12/2022 công bố video cho thấy tiêm kích J-11 của hải quân Trung Quốc tiếp cận trinh sát cơ RC-135 Mỹ, chỉ trích đây là "hành vi can thiệp thiếu an toàn".

Mỹ nhiều lần điều các nhóm tác chiến tàu sân bay và đổ bộ tấn công tới Biển Đông, tuyên bố hoạt động này nhằm "thể hiện cam kết của Mỹ với khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và rộng mở".

Hải quân Mỹ cũng tổ chức nhiều hoạt động tự do hàng hải (FONOP) trên Biển Đông, trong đó có điều chiến hạm áp sát hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam. Lần gần nhất Mỹ điều chiến hạm áp sát Trường Sa là cuối tháng 11/2022 với tuần dương hạm USS Chancellorsville.

Trung Quốc đơn phương vẽ ra "đường chín đoạn", nêu yêu sách chủ quyền phi lý với hầu hết diện tích Biển Đông. Tòa Trọng tài Thường trực năm 2016 bác bỏ yêu sách này, nhưng Bắc Kinh ngang nhiên tuyên bố không thi hành phán quyết.

Việt Nam từng nhiều lần lên án hoạt động phi pháp của Trung Quốc ở Biển Đông, khẳng định có đầy đủ bằng chứng lịch sử và căn cứ pháp lý để khẳng định chủ quyền của Việt Nam với Trường Sa và Hoàng Sa, phù hợp với luật pháp quốc tế. Mọi hoạt động của các bên tại Trường Sa và Hoàng Sa mà không có sự cho phép của Việt Nam đều vô giá trị.

Khu vực Biển Đông. Đồ họa: CSIS.

Khu vực Biển Đông. Đồ họa: CSIS.

Nguyễn Tiến (Theo CNN)