Vietnam
This article was added by the user . TheWorldNews is not responsible for the content of the platform.

Thuế và gia tài

Luật Sư tại California và Washington. Luật Sư LyLy Nguyễn chuyên về Luật
Khánh Tận Chương 7, 11, 13 cho cá nhân và cơ sở thương mại, xóa hết các loại
nợ, tranh tụng trước Tòa Khánh Tận và khai phá sản hủy bỏ nợ thuế. Về Hoạch
Định Tài Sản, Luật Sư LyLy chuyên thảo di chúc và tín mục (trust), ủy quyền điều
hành tất cả tài sản, dặn dò săn sóc y tế khi bất lực và hoạch định kế nghiệp. Về
Luật Thuế, Luật Sư LyLy đại diện cho thân chủ trường hợp bị kiểm thuế, xin
ngưng tịch thâu tài sản vì thiếu thuế, đại diện biện hộ trước Tòa Án Thuế và điều
đình xin giảm nợ thuế. Về Luật Thương Mại, Luật Sư LyLy giúp thành lập công ty
và tổ hợp hùn hạp. Ngoài ra Luật Sư LyLy còn rất giàu kinh nghiệm về thuế lợi
tức cá nhân, thuế trả nhân công, thuế mua bán và thuế tài sản ở hai cấp liên bang
và tiểu bang. Nếu cần tham khảo riêng xin liên lạc với Luật Sư LyLy Nguyễn tại
văn phòng ở 10221 Slater Avenue, Suite 216, Fountain Valley, California 92708.
Điện thoại: (714) 531-7080, website: www.lylylaw.com

Luật Sư LyLy Nguyễn

Dự trù thuế gia tài (estate taxes planning) là một phần nòng cốt theo luật tài sản, vì rất quan trọng cho những người có của cải đáng kể. (Hình minh họa: Eric Estrade/AFP via Getty Images)

Người Việt thông thường theo quan niệm của cổ nhân ngày xưa cứ cho rằng chết
là hết nợ. Ra hải ngoại sống trên đất Mỹ câu nói của các cụ ta không còn hợp thời,
bởi vì theo luật pháp Hoa Kỳ chết cũng không thoát khỏi nợ thuế. Nơi đây, cái
chết và thuế luôn luôn vẫn đi đôi chặt chẽ như hình với bóng.

Thực sự không người nào muốn đóng thuế, nhưng ở xứ văn minh ai cũng thấy
công ích của tiền thuế đã giúp chính phủ đài thọ rất nhiều nhu cầu tối cần cho xã
hội, từ an ninh quốc phòng để bảo vệ quốc gia cho đến phúc lợi cho công chúng
như y tế, hưu trí, gia cư, đường xá, cầu cống,… Riêng phần thuế tài sản chiếm
một phần quan trọng trong ngân sách cho chính phủ, mặc dù của cải do người chết
tạo được lúc sinh thời đã từng phải đóng qua rất nhiều loại thuế như thuế lợi tức,
thuế mua bán chẳng hạn.

Dự trù thuế gia tài (estate taxes planning) là một phần nòng cốt theo luật tài sản,
vì rất quan trọng cho những người có của cải đáng kể hoặc sẽ trở thành đáng kể
trong nay mai.

“Đáng kể” đây có nghĩa là gia tài với giá trị từ bạc triệu (tiền Mỹ) trở lên. Ngoài
đời, trong cuộc sống thường ngày, có rất nhiều người không hề nghĩ rằng mình
giàu có, nhưng sẽ kinh ngạc khi thấy mình “bị” liệt thành triệu phú trước con mắt
của cơ quan thuế vụ IRS, để rồi lúc chết bị truy những khoản thuế khổng lồ trên
của cải để lại cho những người thân yêu.

Trên nguyên tắc căn bản, bất cứ tài sản nào sang chuyển cho người khác nếu
không vượt quá giới hạn luật định đều khỏi đóng thuế. Giới hạn này là con số
mầu nhiệm định đoạt trị giá các tài vật đem cho người thụ hưởng mà được miễn
thuế liên bang. Luật này, đặt ngoại lệ cho vợ chồng thành hôn có quyền sang
chuyển trọn vẹn cơ nghiệp miễn thuế cho nhau, dưới điều luật “miễn trừ hôn nhân
không giới hạn” (unlimited marital deduction) khi một trong hai tạ thế.

Giả sử, một người đơn thuần chỉ muốn để lại tất cả gia tài cho vợ hoặc chồng, mà
không lập một tín mục (a trust) để tận dụng lợi điểm miễn trừ thuế, thì tài sản ấy
sẽ phải chịu thuế trên số tiền trội hơn mức miễn trừ khi người sau cũng chết đi.

Tài sản phải chịu thuế lúc chết gồm có những khoản sau đây:
-Tiền mặt.
-Cổ phiếu, trái phiếu và công khố phiếu (stocks and bonds).
-Nhà ở (family home).
-Trang trại (family farm).
-Tiền bảo hiểm nhân thọ.
-Của nổi cá nhân (tangible personal property) như y phục, tư trang, đồ đạc nội
thất, tác phẩm nghệ thuật quí hiếm, máy móc, dụng cụ…Tiền nhận được từ các
chương trình phúc lợi nhân viên (employee benefit plans).
-Tiền hưu trí như quĩ hưu bổng cá nhân IRA cùng các trương mục khác không tạo
lợi tức trọn đời.

Nói tóm lại, tất cả mọi thứ của cải trong tay cộng lại để theo đó đều tính thành
thuế nộp cho chính phủ. Từng ấy thứ cộng lại thì trước mắt IRS hiển nhiên chủ
nhân cũng đã là triệu phú rồi!

Cơ quan thuế vụ IRS định giá tài sản để truy thuế tùy theo từng loại như sau:

1-Bất động sản và các loại của nổi (tài sản hữu hình) và của chìm (tài sản vô
hình)

Với mục đích tính thuế, IRS đánh giá trị một món tài sản theo giá thị trường vào
thời điểm người sở hữu chủ tạ thế, phần nhiều tính ngay từ ngày chết. Tuy
nhiên,luật thuế cho phép thẩm quyền IRS trách nhiệm xử lý tài sản của người quá
cố được phép ước định theo giá thị trường sáu tháng sau.

Nếu giá này thấp hơn thì thay vì dùng trị giá lúc chết, tài sản sẽ được tính theo giá
thấp cho ít thuế hơn. Đối với các loại tài sản có giá trị biến đổi mau lẹ như cổ
phiếu chẳng hạn, áp dụng lối tính thay thế này là cách khôn ngoan đem lại kết quả
bớt được nhiều tiền thuế.

2-Bảo hiểm nhân thọ

Để tính thuế, chính phủ thường định theo “giá trị mặt” (face value) của mỗi hợp
đồng bảo hiểm (insurance policy) đứng tên người mua kể cả một số “hợp đồng
nhóm” (group policies) tại hãng xưởng hay cơ sở chuyên môn. Riêng những hợp
đồng loại có “giá trị tiền mặt” (cash value) đặt trên sinh mạng đệ tam nhân, nếu
người mua chết đi thì chỉ tính giá trị tiền mặt lúc người ấy chết vì hợp đồng chưa
đáo hạn.

3-Tài sản sở hữu chung (jointly owned property)

Cơ quan thuế vụ IRS chia đều giá trị của tài sản chung trên số chủ để tính thuế,
bất kể người nào đứng ra trả tiền. Thí dụ, hai vợ chồng đứng tên chung một ngôi
nhà đang ở, nếu người chồng chết đi thì IRS tính trên một nửa giá trị ngôi nhà,
mặc dầu ông chồng là người trả xong nợ nhà lúc còn sống.

Nếu lập “liên chủ quyền có quyền kế vị” (joint tenancy with right of survivorship)
với người khác không phải là vợ chồng, thì trên phương diện thuế IRS sẽ tính trọn
giá trị của tài sản đó.

Thí dụ, một người làm chủ chung với bà chị một ngôi nhà trị giá $750,000, thì
khi chết IRS cộng trọn vẹn $750,000 vào di sản để tính thuế trừ phi người thi
hành di chúc chứng minh được rằng bà chị có trả một nửa tiền mua trong đó. Vì lý
do trên, nhiều luật sư khuyên thân chủ không nên đứng tên tài sản chung càng
tránh được bao nhiêu càng tốt, hoặc nếu có đứng tên chung phải giữ giấy tờ chứng
minh phần tiền góp trả để khỏi bị đánh thuế quá lố.

Nếu lập “tín mục sinh thời loại thay đổi được,” (revocable living trust) thì nên liệt
kê tài sản chung dưới dạng “đồng chủ quyền” (tenant in common). Theo đó, chỉ
phải chịu thuế trên số phần trăm quyền sở hữu mà thôi. Thí dụ, nếu sở hữu 25%
ngôi nhà thì chính phủ chỉ tính thuế được trên một phần tư giá trị ngôi nhà.
Mọi gia tài có trị giá nhiều hơn mức miễn trừ đều phải khai, cho dù sau khi tính
toán chiết giảm qua nhiều phương pháp đưa đến kết quả không nợ thuế nhưng
cũng vẫn phải nộp tờ khai. Thuế gia tài bắt buộc nộp trong vòng chín tháng sau
ngày chết và phải trả bằng tiền mặt.

Nếu tính ra phải đóng thuế, nhưng không thấy đề cập gì trong di chúc (a will) hay
tín mục (a trust) ấn định dùng khoản tiền nào để trả, thì luật tiểu bang thường
buộc thuế vào người thừa hưởng di sản tính theo căn bản tỷ lệ, có nghĩa là thừa kế
càng hưởng nhiều gia tài bao nhiêu, thì càng phải đóng thuế nhiều bấy nhiêu.
Hoặc luật tiểu bang thường bắt buộc lấy “di sản dư” (residuary estate) là những
món không có liệt kê trong di chúc để thanh toán thuế trước nhất, rồi phần còn lại
sẽ truất vào phần di sản chính.

Hiển nhiên, thuế và nợ nần là hai khoản phải thanh toán trước nhất, rồi sau đó mới
tính đến phần còn lại phân chia cho các thừa kế. Những người lo xa đều tính trước
các ngân khoản dùng để nộp thuế và chỉ thị thi hành rõ ràng trong di chúc hay tín
mục. Chính quyền liên bang và tiểu bang là những nơi nhận tiền thuế có thứ tự ưu
tiên cao nhất hơn hết mọi thừa kế. Do đó, khi thiết kế bản dự trù di sản, điều quan
trọng phải lưu ý đến khả năng thanh toán tiền mặt mà trả thuế, đừng để tòa án can
thiệp phát mãi những món di sản muốn để lại cho thân nhân. Thí dụ, muốn tặng
một ngôi nhà đẹp cho người thân yêu thì phải tính đủ tiền đóng thuế trước, bằng
không nhiều khi ngôi nhà đó có thể bị xiết để trả nợ thuế, chưa chắc đã về tay
được người thân như hằng mong muốn.

Nhiều người hiểu lầm rằng, bảo hiểm nhân thọ khi chết trả cho thân nhân là tiền
miễn thuế. Sự thật không đúng hẳn như thế. Tiền bảo hiểm do người chết để lại
tuy thừa kế không phải đóng thuế lợi tức cá nhân, nhưng số tiền này được cộng
vào toàn bộ gia tài, nên nếu vượt quá mức miễn trừ sẽ phải chịu thuế nhiều khi rất
cao. Do đó, kế hoạch dự trù lập ra càng tốt bao nhiêu thì càng bớt được nhiều
thuế bấy nhiêu.

Một điều quan trọng khác là thừa kế vẫn phải chịu trách nhiệm thanh toán thuế
gia tài, dù không dự trù trong di chúc. Cơ quan thuế vụ bao giờ cũng được quyền
thu thuế trước khi chia phần cho thừa kế. Các thẩm quyền IRS rất rành rọt trong
việc tìm tòi ai là người để nắm hoặc lấy gì để trả cho món nợ nhà nước, mặc dù
người quá cố đã đi rất xa trong cõi phiêu bồng.

Chúng tôi sẽ tiếp tục trình bày thêm trong bài tới những khía cạnh khác về thuế
gia tài sau khi chết, để trình bày rằng ở Hoa Kỳ cái chết không bao giờ được
“miễn thuế” (tax-free) cả.

Cũng như thường lệ, người viết xin xác nhận nội dung của những loạt bài tìm hiểu
luật pháp này chỉ hoàn toàn được sử dụng với tính cách thông tin (information),
giúp quý độc giả một vài kiến thức tổng quát căn bản về luật pháp Hoa Kỳ mà
thôi và không thể coi như liên hệ của luật sư với thân chủ (attorney-client
relationship). Do đó, nếu có vấn đề liên quan đến luật, quý độc giả vẫn cần phải
thảo luận với một luật sư chuyên môn về trường hợp của quý vị.